image banner
Kỷ nguyên mới là sự tiếp tục phát triển con đường XHCN mang tầm chiến lược
Lượt xem: 5

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ông cha ta luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu tối thượng trong mọi hành xử. Do vậy, dù muốn hay không, càng tiếp tục đổi mới, thực chất là trở lại nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của đất nước một cách tổng thể phù hợp với thời đại, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích chung một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, giai tầng... tới quốc gia, dân tộc với các nước trên bình diện quốc tế mang tính thống nhất, đa dạng.

Nắm lấy khoa học công nghệ, đi thẳng vào khoa học công nghệ cao

Một cách tự nhiên, nếu xem cốt lõi của chính trị là lợi ích và quan hệ chính trị dù vi mô (cá nhân với cá nhân; cá nhân với tổ chức, đảng phái...) hay vĩ mô (giai cấp, tầng lớp với nhau; các tổ chức chính trị với nhau; quốc gia, dân tộc với nhau; quốc gia với quốc tế...) là xoay quanh vấn đề lợi ích, thì đâu là cái bất biến, cái khả biến của công việc đổi mới toàn diện, đồng bộ cần phải làm?

Lợi ích quốc gia phải thống nhất. Đổi mới nền hành chính quốc gia, phân định các vùng chiến lược toàn diện trong chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu, cải cách mô hình tổ chức hành chính địa phương không trung gian, một mặt phá vỡ các “lô cốt” lợi ích nhóm, những “sân sau” của bộ máy quan liêu, cồng kềnh, nặng nề, chồng chéo. Mặt khác, công phá mạnh mẽ dỡ bỏ những tầng nấc trung gian, những khâu cách bức với cơ chế vận hành quốc gia dân chủ, thông suốt và trực tiếp bảo đảm quản trị thống nhất bằng hệ thể chế phù hợp, minh bạch trách nhiệm, đo lường hiệu quả và bộ máy tinh thông, gọn nhẹ bằng 50% hiện nay.

Nắm lấy khoa học công nghệ, đi thẳng vào khoa học công nghệ cao, coi đây là động lực chủ đạo thúc đẩy đổi mới quan hệ sản xuất, mở đường phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và tạo năng suất lao động nhảy vọt, làm thay đổi về chất lượng phát triển và quy mô tăng trưởng đất nước. Đồng thời, thực thi chiến lược phát triển và trọng dụng nhân tài, nhất là nhân tài quản trị và khoa học công nghệ trên nền tảng giáo dục hiện đại, thực học, thực tài và thực nghiệp. Nghĩa là tăng nhanh sức mạnh nội lực.

Quốc gia độc lập, tự do, dưới ngọn cờ XHCN, đó là điều linh thiêng bất biến, là linh hồn và danh dự của Việt Nam trong định vị chính trị chiến lược đất nước. Trong thời đại ngày nay, giữa không gian toàn cầu hóa, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của toàn dân tộc.

Do đó, đổi mới tư duy, tìm tòi phương lược, hoạch định cơ chế, lộ trình phù hợp, giải quyết đúng đắn các quy luật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả nhằm mục tiêu bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất với lợi ích của Nhân dân; đồng thời tôn trọng lợi ích của các quốc gia dân tộc khác, góp phần bảo vệ sự cân bằng và phát triển của thế giới.

Bài học lớn sau gần 40 năm Đổi mới cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc thống nhất với lợi ích của Nhân dân là tối thượng và cụ thể; sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và quyền độc lập dân tộc là vô giá. Chúng ta quyết bảo vệ đất nước độc lập, tự do, vì nền hòa bình của Tổ quốc; trước hết, bằng phương pháp hòa bình, với phương châm “không gây thù oán với một ai”, vì một khu vực và một thế giới hòa bình, văn minh, thịnh vượng. Đó là cái bất biến, mà chúng ta cần nắm chắc, để chủ động hành xử trước mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới toàn diện, đồng bộ, vì CNXH Việt Nam.

Mặt khác, phát triển nền độc lập, tự do của Tổ quốc trong sự thống nhất nhưng đa dạng của thế giới vừa bảo đảm sự tự chủ và quyền tự quyết vừa chủ động hội nhập quốc tế. Độc lập chính là nghệ thuật hành động trong ngọn gió thời đại và hội nhập quốc tế một cách khôn khéo; hội nhập là nghệ thuật nắm lấy tinh thần phát triển và lực lượng của thời đại để giữ vững nền độc lập của dân tộc, bảo vệ quyền tự quyết dân tộc và tự do, hạnh phúc của Nhân dân, vươn tới hùng cường, hòa nhịp trong dòng chảy của chỉnh thể thời đại. Đó là sức mạnh ngoại lực.

Đổi mới, nhằm kiến tạo thương hiệu quốc gia là thước đo của đổi mới và ổn định. Không thể có bất cứ ổn định nào, nếu không vì sự phát triển; và, đến lượt nó, phát triển là đẳng cấp của ổn định. Vì vậy, phải lấy sự phát triển của đất nước làm mục tiêu, động lực cho sự ổn định cao hơn và bền vững. Đó là đẳng cấp mới về “đổi mới, ổn định và phát triển”, là nhân tố làm nên hệ giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam hùng cường, với các thương hiệu tầm vóc khu vực và toàn cầu về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đứng trong hàng ngũ các nước phát triển. Đó là cương lĩnh hành động, là thước đo hiệu quả của công cuộc đổi mới.

Hơn bao giờ hết, thời cơ chính là lực lượng, nên nhất định phải chủ động nắm lấy một cách kiên quyết và hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện công cuộc đổi mới, bứt phá, vươn tới phồn vinh.

Phát triển hệ giá trị quốc gia kết tinh tầm nhìn chính trị, bản lĩnh, sức mạnh, uy tín và hành động quốc gia

Kỷ nguyên mới không chỉ là tầm nhìn chiến lược của kỷ nguyên mới mà còn là trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng và danh dự Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Nhớ lại, trước thềm công cuộc Đổi mới (năm 1986), đất nước ta lâm vào khủng hoảng, kinh tế đình đốn, lạm phát phi mã tới 3 con số, bị bao vây cấm vận... Sự khủng hoảng kinh tế đe dọa trực tiếp tới chế độ. Đổi mới kinh tế hay chính trị, xã hội hay văn hóa... trong “sợi dây xích” chỉnh thể đất nước?

Sự lựa chọn khởi đầu công cuộc Đổi mới dẫn tới không thể không đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Đó chính là văn hóa. Đó là sự lựa chọn đúng đắn trong việc giải quyết tổng thể tình trạng đất nước lúc ấy, là bắt đầu từ giải quyết tình trạng kinh tế khủng hoảng đe dọa số phận đất nước.

Và, sự thật, hơn lúc nào hết, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, nên giải quyết vấn đề chính trị từ nền tảng của nó, chính là kinh tế; đó chính là xử lý những vấn đề về chính trị một cách một cách khoa học. Nếu lịch sử định vị chúng ta là ai, ở đâu... thì tầm nhìn chiến lược chính trị cho chúng ta lời đáp là chúng ta đi tới đâu và đi như thế nào? Tầm nhìn chính trị lúc này là vị thế chính trị, lực lượng chính trị, cũng chính là sức mạnh quốc gia - dân tộc Việt Nam, chứ không đơn thuần chỉ là kinh nghiệm. Vì vậy, tầm nhìn chính trị phải được đặt trên kinh nghiệm lịch sử, để tiếp tục làm nên nhịp bước cùng thời đại, nhất định phải được dẫn dắt bởi tầm nhìn chính trị chiến lược một cách ngang tầm văn hóa.

Nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong rất nhiều vấn đề, nổi bật là 7 tư chất căn bản của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong tầm nhìn tới năm 2045.

Một là tự do. Đất nước độc lập, nhưng Nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Vì thế, nếu gìn giữ giá trị toàn vẹn của độc lập là một công việc khó khăn, thì phát triển tự do là một chân trời lớn, nhưng tất yếu, đầy khó khăn và cả chông gai, song chúng ta quyết đi tới, vì sự bảo đảm nhu cầu tự nhiên và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đó chính là tiền đề của nền dân chủ chân chính.

Hai là dân chủ. Đó là mục tiêu, là động lực công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng kiến tạo hệ thống chính trị và phát triển xã hội Việt Nam. Nói cách khác, dân chủ vừa là mục tiêu vừa là con đường phát triển. Gần 80 năm qua, mệnh đề đó làm nên tiêu ngữ của thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa, là mục tiêu của thể chế Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Dân chủ vẫn đang là một trong những mệnh đề lớn nhất, cần nỗ lực tiến tới trong mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dân chủ là việc trước hết, là mục tiêu, là động lực phát triển. Dân là gốc của nước.

Ba là pháp quyền. Dân chủ phải được bảo đảm bằng pháp quyền; đó là bản chất của Nhà nước XHCN, khi lấy pháp luật làm thượng tôn. Để phát triển pháp quyền, dân chủ là mục tiêu mà pháp quyền hướng tới; và đến lượt nó, pháp quyền là giềng mối để dân chủ đích thực được thực thi, chứ không phải là thứ dân chủ hình thức hay biến thái nào đó của dân chủ: dân chủ vô chính phủ, dân chủ giả hiệu…

Bốn là đạo đức. Kinh nghiệm lịch sử đã và đang cho thấy, không một thể chế chính trị nào, có thể vận hành thành công trên một nền tảng đạo đức không tương dung. Khi phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, dù dưới sự dẫn dắt của Nhà nước pháp quyền XHCN, thì vấn đề đạo đức càng trở thành vấn đề nóng bỏng nhất và cấp thiết nhất cả ở tầm vĩ mô tới mức độ vi mô, cả xã hội tới mỗi cá nhân.

Năm là phát triển. Đó là thước đo sự tiến bộ xã hội văn minh và hiện đại. Nếu tăng trưởng là “ngọn” thì phát triển chính là “gốc”. Phát triển là mục tiêu mà tăng trưởng hướng tới. Không thể tăng trưởng bằng mọi giá. Như thế, sẽ phải trả giá, không phải một năm hay 10 năm, mà thậm chí bằng nhiều thế hệ... Một Việt Nam truyền thống và hiện đại, hài hòa và khoan dung, dân chủ và kỷ cương, thủy chung và minh bạch, bản sắc và hội nhập, độc lập và hòa mục... là những phẩm chất nền tảng mà chúng ta cần gìn giữ, để xây dựng đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là con đường phát triển tất yếu của dân tộc, phù hợp với bước đi của thế giới.

Sáu là, nhân văn. Đây là truyền thống đất nước, là bản chất dân tộc Việt Nam truyền đời suốt mấy nghìn năm. Càng trong sinh tử, đức nhân văn của dân tộc càng tỏa sáng, thậm chí khuất phục cả các loại kẻ thù xâm lược đến từ mọi phía, khắp các châu lục, suốt 1.300 năm trong 2.000 năm sau công nguyên. Đó là danh dự và uy tín Việt Nam làm nên sự trường tồn của đất nước, của dân tộc.

Đặc biệt, hiện nay, trong cuộc cạnh tranh, bứt phá khốc liệt, và càng gần đây, sự áp đặt và nô lệ trong thế “quần ngư tranh thực”, “mạnh được yếu thua”, thậm chí “cá lớn nuốt cá bé” rất phức tạp của thế giới, Việt Nam càng phải nêu cao truyền thống nhân văn, đã trở thành bộ “gien” dân tộc như một tư chất bất biến để ứng với mọi sự biến đổi.

Bảy là, hạnh phúc. Hạnh phúc trong tiêu ngữ đặt dưới quốc hiệu Việt Nam: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” là sự tổng hòa mang tính chỉnh thể: Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc, càng thấy vấn đề hạnh phúc là một thành tố của chân lý Việt Nam độc lập như giang sơn tổ tiên ta để lại cho muôn đời sau. Nó không chỉ là tiền đề, là mục tiêu, là động lực mà còn là con đường xây dựng nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có thể nói rằng, vấn đề nổi lên có tính bước ngoặt, chuyển giai đoạn, là cần thấu triệt rằng, nếu Đổi mới gần 40 năm qua từ 1986 - 2026 là bằng đường lối đổi mới đưa nước ta từ một nước nghèo, khủng hoảng, kém phát triển thành một nước ổn định chính trị - xã hội và phát triển trung bình, có vị thế lớn trên thế giới, thì cuộc đổi mới kỷ nguyên thứ hai, từ 2015 trở đi là đổi mới, sáng tạo sau 2015 phát triển tiền đề, từ năm 2026 với tên gọi là Kỷ nguyên mới Việt Nam hùng cường, tức 20 năm tới, trở thành nước phát triển!

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Sứ mệnh của Đảng hiện nay là phải lãnh đạo, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu; bảo đảm mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu" (*).

Vì thế, không có cách nào khác là phải đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa, với khát vọng trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI, với một Nhà nước thực sự mang tầm kiến tạo, liêm chính, pháp quyền, vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn, thống nhất toàn vẹn quốc gia, với rường cột đội ngũ chính trị gia - kỹ trị gia - chiến lược gia - khoa học gia - doanh gia xứng tầm, với xung lực mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nắm lấy trước hết là công nghệ cao, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể gói trọn trong hệ giá trị phát triển XHCN Việt Nam gồm 12 chữ: Độc lập - Tự do - Dân chủ - Pháp quyền - Nhân văn - Hùng cường. Tất cả, vì và cho lợi ích của đất nước thống nhất với lợi ích của Nhân dân phải là hạt nhân, mà mọi sự đổi mới và các mối quan hệ quốc tế dù ở phương diện nào, góc độ nào, mức độ tới đâu cũng phải đều xoay quanh nó./.

Nam Triệu Giang
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement